Ngành công nghiệp dược phẩm của Singapore bắt đầu bùng nổ từ năm 2000, khi chính phủ đưa ra Chiến lược phát triển Khoa học Y sinh (BMS) và ưu tiên ngành dược phẩm ở cấp chính sách quốc gia. Mục tiêu của chiến lược BMS giai đoạn 1 là làm tăng gấp đôi sản lượng sản xuất hằng năm của ngành BMS lên 7 tỷ USD vào năm 2005. Kết quả là, cuối năm 2005, sản lượng thành phẩm đã tăng lên đến 18 tỷ SGD (11 tỷ USD), vượt 50% chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2 của chiến lược này tiếp tục đầu tư vào cải tiến cơ sở hạ tầng của ngành dược phẩm cũng như năng lực nghiên cứu và phát triển.
Dược phẩm, ngành thuộc BMS, cũng đã phát triển nhanh chóng trong 18 năm qua, đưa Singapore trở thành trung tâm sản xuất, nghiên cứu và phát minh dược phẩm trong khu vực. Sản lượng dược phẩm đã tăng từ 2,8 tỷ USD trong năm 2000 lên đến 15,7 tỷ USD trong năm 2018 với tốc độ tăng trưởng kép là 10,0%. Số lượng việc làm cũng tăng trưởng ổn định ở mức 8,2%. Tổng giá trị gia tăng cũng tăng trưởng với tốc độ kép tương ứng là 9,7%, từ 1,7 tỷ USD lên 9,3 tỷ USD cùng kỳ.
Hoạt động nghiên cứu có giá trị gia tăng cao, thu hút các nhà sản xuất dược phẩm và công nghệ sinh học
Kể từ khi ngành công nghiệp dược phẩm tăng trưởng bùng nổ, chính quyền Singapore đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu & phát triển. Tổng chi tiêu quốc gia cho hoạt động này tăng từ 80 triệu USD trong năm 2000 lên đến 1,31 tỷ USD trong năm 2016 với mức tốc độ tăng trưởng kép 18,7%. Nếu tính theo GDP quốc gia thì chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu & phát triển tăng từ 0,09% lên 0,41% trong cùng thời kỳ.
Cơ quan Khoa học Công nghệ và Nghiên cứu (A*STAR) được thành lập năm 1991 (thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore) nhằm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học y sinh. Năm 2003, A*STAR khánh thành Biopolis Hub để cung cấp không gian nghiên cứu & phát triển cho các hoạt động khoa học y sinh và khuyến khích sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu giáo dục chính phủ, tư nhân và giáo dục đại học.
Bên cạnh cơ quan A*STAR, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Quốc gia (NMRC) thuộc Bộ Y tế đã tài trợ cho nhiều mảng của lĩnh vực khoa học y sinh như công tác nghiên cứu, nguồn nhân lực, cơ quan thẩm quyền, cơ sở hạ tầng và phát triển tài năng. Một hoạt động đáng chú ý là Chương trình Áp dụng thực tiễn và Thử nghiệm Lâm sàng với mục đích đưa Singapore trở thành quốc gia tiên phong trong nhiều lĩnh vực bệnh lý chiến lược. Việc này xây dựng nền tảng cho sự hợp tác giữa Singapore với các tổ chức nghiên cứu công nghiệp hàng đầu ở nước ngoài.
Xây dựng cụm để hình thành hệ sinh thái dược phẩm
Vào những năm đầu phát triển, Công viên Y sinh Tuas (Tuas Biomedical Park) và Trung tâm Biopolis đã được xây dựng và đóng vai trò như hình mẫu cho việc thiết lập các cụm tổ chức hỗ trợ việc phát triển ngành dược ở Singapore. Trong đó, Tuas Biomedical Park là trung tâm sản xuất đạt chất lượng quốc tế, chuyên lưu trữ quá trình triển khai và hoạt động sản xuất của các công ty dược phẩm lớn. Biopolis Hub là một không gian nghiên cứu và phát triển chuyên ngành dành cho nhiều cộng đồng nghiên cứu y tế khác nhau.
Hiện nay, có hơn 100 công ty khoa học y sinh toàn cầu đang tận dụng năng lực khoa học và sản xuất của Singapore để kết nối với các thị trường châu Á khác. Ngoài ra, các công ty nghiên cứu và sản xuất phát minh cũng đặt trụ sở khu vực tại Singapore để hưởng lợi từ hệ sinh thái kinh doanh và năng lực quản lý của quốc gia này.
Chính sách đối với ngành dược phẩm
Chính phủ Singapore liên tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành thông qua một số chính sách và sáng kiến trọng yếu như sau:
Năm | Sáng kiến | Mô tả |
---|---|---|
1999 | Quỹ Bio*One | Quỹ Bio*One là bộ phận đầu tư thuộc Ban phát triển kinh tế (EDB). |
2000 | Sáng kiến Khoa học
Y sinh (BMS) |
Ưu tiên ngành dược phẩm ở cấp chính sách quốc gia và thúc đẩy khoa học y sinh trở thành trụ cột thứ tư của nền kinh tế. Kế hoạch có nhiều giai đoạn, với mỗi giai đoạn thực hiện trong 5 năm. |
2001 | Công viên Y sinh Tuas
(Tuas Biomedical Park) |
Trung tâm sản xuất đạt chất lượng quốc tế; lưu trữ quy trình phát triển và hoạt động sản xuất của các công ty dược phẩm lớn. |
2003 | Trung tâm Sinh học
(Biopolis Hub) |
Được thành lập bởi Cơ quan Khoa học Công nghệ và Nghiên cứu (A*STAR) nhằm cung cấp không gian nghiên cứu & phát triển cho ngành khoa học y sinh. |
2006 | Chương trình Áp dụng thực tiễn và Thử nghiệm Lâm sàng (TCR) | Được thành lập với mục tiêu xây dựng Singapore trở thành quốc gia tiên phong trong một số lĩnh vực bệnh lý chiến lược. Chương trình được thực hiện bằng cách tận dụng những giáo trình hiện hữu có tính cạnh tranh cao. Từ đó tạo ra nền tảng có năng suất vượt trội để hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và công nghiệp hàng đầu ở nước ngoài. |
2008 | Học viện Thực hành
Công nghiệp Đầu ngành Singapore |
Được thành lập trong khuôn khổ Đại học Quốc gia Singapore, là thành quả của nỗ lực hợp tác giữa chính phủ và các công ty đa quốc gia. Giảng viên được tuyển chọn từ các học viện, cơ quan y tế và các doanh nghiệp lớn trong ngành dược phẩm từ khắp nơi trên thế giới. |
2011 | Quỹ Hợp tác Mở (OCF) | Quỹ có trị giá 590 triệu SGD (tương đương 469 triệu USD) được sử dụng cho việc thúc đẩy những hợp tác lớn giữa các nhà nghiên cứu cơ bản và các nhà khoa học lâm sàng để hỗ trợ tính tích hợp những hoạt động trong cộng đồng nghiên cứu BMS. |
2013 | Tài trợ hợp tác Thử nghiệm Lâm sàng | Khoản tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng theo hình thứ hợp tác: hỗ trợ 30% tổng chi phí dự án (đã bao gồm 20% chi phí gián tiếp). Không có hạn mức tài trợ và thời gian tài trợ có thể kéo dài đến 5 năm. |
2013 | Thử nghiệm Lâm sàng Thẩm định | Khoản tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng thẩm định, giới hạn ở mức 1,5 triệu SGD (1,2 triệu USD) cho từng dự án (đã bao gồm 20% chi phí gián tiếp). Thời gian tối đa của các thử nghiệm là 3 năm, các thử nghiệm kéo dài hơn 3 năm sẽ phải được xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp một. |
2014 | Trung tâm phát triển Chẩn đoán (DxD) | Một trung tâm được thành lập để đẩy nhanh việc chuyển đổi các máy móc hiện hữu thành các thiết bị chẩn đoán được chứng nhận lâm sàng, chuẩn bị cho việc tiếp nhận thị trường tương lai; tận dụng thế mạnh kinh tế của Singapore, năng lực của các bác sĩ lâm sàng và các tập đoàn y tế hàng đầu. |
2016 | Hệ thống Tăng cường trình độ nguồn nhân lực Singapore (Process WSQ) | Chương trình đào tạo bốn cấp của cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Singapore, giúp nguồn nhân lực có thể sở hữu các chứng chỉ cao hơn của WSQ về Công nghệ xử lý (Sản xuất dược phẩm). |
2016 | Kế hoạch Nghiên cứu Đổi mới Doanh nghiệp 2020 (RIE) | Nỗ lực ở cấp quốc gia trong việc kiến tạo Singapore trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu trong các lĩnh vực quan trọng khác nhau, bao gồm cả ngành sản xuất dược phẩm từ năm 2016 đến 2020. |
Cơ hội cho Việt Nam
Là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam có cơ hội xây dựng một ngành dược phẩm nội địa bền vững thông qua các hỗ trợ từ các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia. Cụ thể hơn, bằng sự hỗ trợ này, người dân Việt Nam không chỉ tiếp cận nhanh chóng, bền vững dược phẩm phát minh chất lượng cao an toàn mà còn giúp củng cố nguồn cung dược phẩm chất lượng tốt, đảm bảo an ninh y tế. Ngoài ra, những lợi ích khác còn bao gồm việc tạo ra nhu cầu lao động, cải thiện năng suất, tăng vốn đầu tư nước ngoài và gia tăng tổng sản lượng dược phẩm sản xuất trong nước. Qua đó, mở ra cơ hội xuất khẩu cho ngành này cùng phát triển hệ sinh thái đi kèm.
Việt Nam hiện đang có lợi thế với dân số có trình độ, làm việc chăm chỉ và độ tuổi phù hợp với nhu cầu lao động. Tình hình kinh tế – chính trị thế giới đang có chiều hướng thuận lợi, tạo ra tiềm năng phát triển vượt bậc cho ngành sản xuất của Việt Nam. Từ đó cho thấy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội trong ngắn hạn để tạo nên những bước nhảy vượt bậc trong phát triển kinh tế. Phân tích các trường hợp nghiên cứu cũng cho thấy điều này có thể đạt được trong khoảng thời gian ngắn khi có các chính sách phù hợp.
Những nền kinh tế đã chuyển đổi thành công nền công nghiệp từ hoạt động sản xuất cơ bản sang nền công nghiệp cải tiến và đổi mới đều mang một số điểm chung. Một điểm quan trọng trong số đó là vai trò then chốt của chính phủ trong công tác điều phối hoạt động ngành.
(Nguồn: Báo cáo “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”. KPMG. 2020)