Hơn hai thập kỷ qua, các chính sách của chính phủ đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển ngành Y tế của Việt Nam, tạo ra những cải thiện đáng kể về các chỉ số đo lường chất lượng y tế như mức độ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm xuống và các chỉ tiêu lâm sàng khác. Hệ thống dịch vụ y tế đã chứng kiến sự chuyển mình với sự tham gia nhiều hơn của khu vực y tế tư nhân trong và ngoài nước vào các lĩnh vực nhân sự, công nghệ và kĩ thuật,… giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y khoa cho người dân.

Theo báo cáo nghiên cứu của công ty tư vấn KPMG, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị tăng từ 5,4 tỷ USD trong năm 2018 lên tới ước tính 6,5 tỷ USD vào năm 2021, với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 6,5%. Trong ngành công nghiệp dược phẩm, ngành dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP của Việt Nam năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể lên đến 10% trong thời gian tới.

Dự thảo “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh và yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc; đồng thời cung cấp các dịch vụ chăm sóc dược có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ. Đến năm 2045: Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh, vắc xin, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

Tăng cường tính cạnh tranh của ngành công nghiệp dược Việt Nam

Báo cáo nghiên cứu của công ty tư vấn KPMG cho thấy Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm & y tế của khu vực. Với mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất dược phẩm nội địa. Đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành dược phẩm. Xây dựng năng lực trong nước sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa và thúc đẩy tinh kinh doanh khởi nghiệp về dài hạn. Các công ty khởi nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền y tế quốc gia trong tương lai. Một ví dụ tiêu biểu là Genomics Medicine Ireland, một công ty khởi nghiệp về khoa học đời sống và phân tích dữ liệu của Ireland, đã tạo ra một nền tảng kết nối và hợp tác giữa những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực khoa học đời sống, các nhà đầu tư, các nghiên cứu sinh trong ngành phân tích biến đổi gene nhằm phát minh ra các phương thức phòng ngừa và chữa trị mới.

Trong kịch bản kinh doanh ổn định, KPMG ước tính tổng giá trị gia tăng mà ngành dược phẩm phát minh đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế là từ 3,5 – 5,3 tỷ USD vào năm 2045, tăng lên đáng kể từ con số 400 triệu USD trong năm 2021. Với những ưu đãi và khuyến khích đúng đắn, ngành dược phẩm phát minh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đồng nghĩa với việc đóng góp kinh tế (GDP) của ngành sẽ nhiều hơn. Tổng giá trị gia tăng trực tiếp từ ngành công nghiệp dược phẩm phát minh ước tính có thể tăng trưởng với tốc độ kép từ 15% – 20% trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2045 và đóng góp từ 10,1 – 28,8 tỷ USD vào năm 2045.

Giá trị đóng góp trực tiếp vào GDP tăng thêm tiềm năng từ ngành dược phẩm phát minh (tỷ USD)

Trong kịch bản kinh doanh ổn định, xuất khẩu dược phẩm sẽ tăng trưởng ở mức 6,1% và nâng giá trị xuất khẩu lên 850 triệu USD vào năm 2045. Trong trường hợp có các hoạt động mở rộng liện tục, đi kèm với việc thành lập các cơ sở sản xuất dược nội địa, Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ để trở thành quốc gia xuất khẩu dược phẩm trong tương lai. Báo cáo này ước tính xuất khẩu dược phẩm sẽ đạt từ 2,02 tỷ USD đến 5,88 tỷ USD vào năm 2045, với tốc độ tăng trưởng kép tương ứng là 10% – 15%, bắt đầu từ năm 2022 trở đi. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị xuất khẩu dược phẩm tăng thêm là từ 1,17 tỷ USD đến 5,03 tỷ USD.

Số lượng việc làm trong ngành dược phẩm phát minh có thể tăng từ 5% đến 10%, kéo theo tốc độ năng suất lao động tăng từ 9% đến 13%

Sự phát triển của ngành dược phẩm phát minh được dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao trong thời gian tới. Do tính chất chuyên môn, ngành dược luôn đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng và giàu kinh nghiệm, nhưng nguồn cung lao động hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của ngành. Trong bối cảnh kinh doanh thông thường, số lượng việc làm của ngành dược phẩm phát minh được dự đoán sẽ giữ mức tăng trưởng ở mức 2,8%, và đạt 15.500 việc làm vào năm 2045. Nếu những khó khăn về nguồn cung được giải quyết thông qua các chương trình đào tạo thì dự kiến ngành dược sẽ đạt 25.600 – 78.100 việc vào năm 2045, trực tiếp tạo thêm 10.100 – 62.600 việc làm so với bối cảnh kinh doanh thông thường. Ngoài ra, 173.800 – 531.000 việc làm được tạo ra gián tiếp bởi các hoạt động kinh tế khác trong ngành, tổng cộng ngành sẽ tạo ra 199.500 – 609.000 việc làm vào năm 2045. Tóm lại, với những nỗ lực kết hợp giữa nhà nước và thị trường, ngành dược phẩm phát minh có thể tạo ra thêm từ 78.800 đến 488.500 việc làm đòi hỏi kiến thức và chuyên môn cao trong năm 2045, so với kịch bản trong bối cảnh kinh doanh thông thường.

Trong kịch bản kinh doanh ổn định, năng suất lao động được dự đoán sẽ đạt 224.000 – 347.500 USD với tốc độ tăng trưởng kép từ 7,0% đến 8,9% từ năm 2021 đến năm 2045. Hiện nay, ngành dược phẩm phát minh có năng suất lao động tương đối cao so với các ngành khác ở Việt Nam.  Với các chính sách và ưu đãi phù hợp, năng suất lao động trong ngành dược phẩm phát minh được ước tính sẽ đạt 437.000 – 1,3 triệu USD/lao động vào năm 2045. Tốc độ tăng trưởng kép tăng từ 10.2% lên 15.0% từ năm 2021 đến năm 2045, nâng thêm 7,7% so với mức tăng trưởng ở kịch bản kinh doanh ổn định.

Để hướng tới đạt được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia, Báo cáo của KPMG đề xuất một số khuyến nghị gồm: Tiếp tục ưu tiên phát triển ngành dược phẩm ở cấp quốc gia; Thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện và thành lập các bộ phận hỗ trợ chuyên ngành; Thiết lập các ưu đãi để tăng cường đầu tư vào ngành dược phẩm; Tăng cường giáo dục và đào tạo trong ngành; Thúc đẩy cải tiến và sáng tạo trong ngành y tế; Cải thiện tài chính y tế.

N.M.Q. (Nguồn: Báo cáo “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”, KPMG, 12/2022)