Tình trạng các bệnh viên công thiếu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm và thậm chí thiếu cả thiết bị y tế đang là hiện tượng rất đáng quan tâm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến người bệnh cũng như chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế. Cần phải xác định rõ nguyên nhân để khắc phục.
Việc để người bệnh phải tự đi mua thuốc vật tư đưa về bệnh viện điều trị là một việc rất phiền hà, không chuyên nghiệp, có thể xảy ra nhiều rủi ro cho người bệnh.
Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV một số đại biểu quốc hội cũng đã trao đổi vấn đề này tại nghị trường, tìm nguyên nhân và đề nghị Chính phủ, ngành Y tế đưa ra giải pháp khắc phục.
BỐN NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ GÂY THIẾU THUỐC CHỮA BỆNH
Về câu chuyện của ngành Y tế, đại biểu Quốc hội – PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành Y tế.
Ông Hiếu nêu: “Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một ngành tê liệt. Những khó khăn trước đây như: thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết”.
Về tình trạng thiếu thuốc, ông thổ lộ thêm, có vị đại biểu phàn nàn rằng “giờ muốn mua một viên kháng sinh rất thông dụng nhưng không thể mua được”.
Còn GS, TS Y khoa Nguyễn Anh Trí (đại biểu quốc hội – đoàn Hà Nội) thì nêu: “Hiện tượng bị thiếu thuốc men, vật tư trang thiết bị… là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, đến nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm”.
Và đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), cho rằng dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn. “Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế khiến nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu mua sắm. Sai phạm do thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.
Bàn về nguyên nhân của việc thiếu thuốc trong thời gian gần đây nhiều đại biểu cho rằng có rất nhiều nguyên nhân gây tác động tới việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế… Nhưng nổi cộm lên gồm bốn nguyên nhân chính có thể gây nên tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế… trước mắt và lâu dài, đó là:
Thứ nhất, trong thời điểm này tình trạng không dám đầu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế do rất khó nắm bắt được các quy định của pháp luật về đầu thầu. Trong thời gian qua ngành Y tế có quá nhiều vụ tiêu cực tham ô phải đưa ra điều tra, xét xử trước pháp luật. Cho nên, nhiều người cho rằng đây cũng là nguyên nhân.
Tuy nhiên, có ý kiến phản bác rằng, tại sao lại sợ không dám đầu thầu, mua sắm nếu chỉ muốn đưa về nguồn thuốc có chất lượng, giá cả phù hợp nhất mà không tính tới lợi ích riêng? Nếu sai phạm do thể chế chưa rõ ràng thì cần phải tìm hiểu, sửa đổi cho nó rõ ràng, cái quan trọng nhất vẫn là con người thực hiện.
Thứ hai, liên quan đến việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc. Nếu không kịp gia hạn thì các thuốc này sẽ không thể lưu hành và cung ứng trên thị trường. Tại thời điểm được gia hạn thì cũng cần ít nhất thêm ba tháng để sản xuất và cung ứng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, gần 10.000 thuốc sẽ hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Thứ ba, tính đến thời điểm này, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia năm 2022 – 2023 và công tác đàm phán giá tuy đang được thực hiện nhưng chưa kết thúc. Điều này, cùng với tác động với nguyên nhân thứ nhất sẽ khiến các bệnh viện và cơ sở y tế tiếp tục chờ kết quả của việc đấu thầu, đàm phán giá để mở các gói thầu cung ứng thuốc.
Thứ tư, liên quan đến một số bất cập không còn phù hợp thực tiễn đang được quy định trong các thông tư (như Thông tư đăng ký thuốc) hay tại Luật Dược (chính là yêu cầu thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực số đăng ký thuốc) cũng có thể tăng khả năng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế…
KHẨN TRƯƠNG GIẢI QUYẾT GIA HẠN GIẤY PHÉP ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm như lo ngại của một số đại biểu quốc hội nói trên, nhiều ý kiến cho rằng việc này không phải là không có giải pháp khắc phục.
Chúng ta có thể thấy, để tránh tình trạng thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm y tế trong thời gian chống đại dịch Covid-19, ngày 30/12/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15. Trong đó, cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt về việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19 như: sản xuất, nhập khẩu, thuốc nguyên liệu làm thuốc, gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cấp phép giấy phép lưu hành thuốc chữa bệnh covid-19…
Dựa vào Nghị quyết này, ngày 29/4/2022 Chính phủ đã ra Nghị định số 29/2022/NĐ – Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
Và Bộ Y tế có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế Danh mục các thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2022. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chưa thể hoàn thành thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Nhằm xử lý tình huống khẩn cấp này, ngày 2/6/2022, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã thông báo gia hạn cho 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế thuộc nhóm hết hạn đăng ký lưu hành từ ngày 30/12/2021 đến trước 30/6/2022.
Tuy vậy, trong 7 tháng cuối năm, vẫn còn số lượng không nhỏ số giấy đăng kí thuốc hết hiệu lựch.Công tác thực hiện gia hạn một số lượng lớn các thuốc này sẽ rất khó khả thi nếu thời gian duy trì hiệu lực không được thực hiện tối thiểu 12 tháng, đúng theo tinh thần của Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước mong Cục Quản lý Dược khẩn trương thông báo danh mục thuốc được gia hạn theo tinh thần Nghị định 29/2022/NĐ-CP, để các đơn vị sản xuất cung ứng thuốc chủ động trong công việc của mình, cũng như không ảnh hưởng đến công tác đấu thầu với các bệnh viện.
Còn tình trạng sợ đấu thầu, ngại mua sắm tại một số nơi, về lâu dài đề nghị cơ cấu tổ chức lại các bệnh viện, ngành y tế theo hướng chuyên môn hóa. Để giám đốc bệnh viện có chuyên môn ngành y tập trung vào công tác chuyên môn.
Còn việc liên quan đến đấu thầu, tài chính cần có người am hiểu lĩnh vực này hơn phụ trách. Bên cạnh đó đã có một số đề xuất trong việc cần cơ chế để các bệnh viện, Sở Y tế có thể gia hạn hợp đồng cung ứng.
Nhưng giải quyết vấn đề này trước mắt, Chính phủ có thể cho phép thành lập tổ chuyên môn để tư vấn cho các bệnh viện, Bảo hiểm xã hội về các vấn đề liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để họ yên tâm tổ chức mà không sợ sai sót.
Về lâu dài, việc xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… rất cần Quốc hội và nhất là Chính phủ đồng hành, tạo điều kiện hơn nữa để giúp Bộ Y tế vượt qua những khó khăn trước mắt, nhất là việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp của Bộ, chế độ chính sách đặc biệt đối với ngành Y tế…
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 là một minh chứng cho sự đồng hành giúp đỡ này. Ngoài ra, hiện tại Bộ Y tế đang khẩn trương chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế Thông tư đăng ký thuốc (Thông tư 32/2018) và sẽ trình dự án sửa đổi Luật Dược 2016 theo trình tự rút gọn theo hướng giải quyết các bất cập trong việc hợp đồng cung ứng thuốc, sản xuất, kinh doanh thuốc…
Dư luận mong nhiều chính sách của lĩnh vực dược sẽ được điều chỉnh, bổ sung tạo điều kiện cho ngành dược phát triển và thu hút đầu tư vào ngành này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí:
“Họ nhìn thấy, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm,…đang bị đứt gãy nghiêm trọng: vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ; và vì việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đang bị đình đốn vì họ còn bận phải làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra…
Và thế là hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân! Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó! Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được”.
Tác giả: Lý Hà – VnEconomy