Sáng 18.9, Bộ Y tế và Hội Khoa học kinh tế y tế VN tổ chức hội thảo tham vấn xin ý kiến nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đối với một số nhóm thuốc đặc thù.
“Bài toán” quyền lợi và mức đóng phí BHYT
Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho biết trong năm 2022, Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 105.000 tỉ đồng cho người tham gia BHYT khám chữa bệnh; năm 2023 ước chi trả 110.000 tỉ đồng. Tỷ trọng chi tiền thuốc trong tổng chi BHYT là cao nhất, chiếm khoảng 34%. Năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 94 bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT với số tiền hơn 1 tỉ đồng mỗi người. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là một bệnh nhi với chi phí chi trả 4,69 tỉ đồng.
Theo bà Trang, cùng với cập nhật các thuốc trong danh mục, chúng ta cũng cần cân đối với mức đóng BHYT. Hiện theo mức lương cơ sở mới, trung bình mệnh giá BHYT xấp xỉ 1 triệu đồng/năm. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực cao hơn mức đóng của VN từ 2,5 – 4 lần, danh mục hoạt chất BHYT chi trả khoảng 600 – 700 loại. Tại VN, phạm vi quyền lợi của VN hiện cũng khá rộng. Danh mục thuốc BHYT hiện nay có 1.030 hoạt chất. Vì thế, so về mức chung, BHYT của VN cần có các giải pháp cân đối về thu chi, vẫn tối ưu các quyền lợi cho người bệnh.
Bà Trang đánh giá thêm thực tế mức thu phí BHYT của VN chưa cao nhưng quyền lợi chi trả thì nhiều ưu việt. Người bệnh và thầy thuốc bao giờ cũng muốn có các thuốc tốt nhất cho người bệnh nhưng cũng phải bảo đảm cân đối thu chi với nguồn của Quỹ BHYT. “Tới đây, khi sửa luật BHYT, chúng tôi mong muốn giải được bài toán mà ai cũng quan tâm, là cân đối quỹ; đồng thời cũng có những nguồn lực để chi tối đa phạm vi quyền lợi cho người bệnh. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất liên quan đến nguồn kinh phí chi trả cho người bệnh từ quỹ BHYT, đa dạng hóa các nguồn, kể cả các nguồn xã hội hóa chi trả. Về phạm vi quyền lợi cũng cố gắng mở rộng tối đa, bao gồm thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị”, bà Trang nói.
Về phương thức thanh toán, bà Trang cho rằng chúng ta cũng cố gắng có các phương thức phù hợp, ngoài các chi trả cho dịch vụ y tế như hiện nay còn có các phương thức thanh toán như định suất, theo nhóm chẩn đoán (DRG)… cần được triển khai khả thi hơn trong thực tế.
Thêm thuốc hiếm cho người bệnh ung thư
Theo lãnh đạo Vụ BHYT, hiện nay đã nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại VN có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào Danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán. Vì vậy, nhằm mục đích rà soát và lựa chọn danh mục thuốc an toàn, hiệu quả và kinh tế, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập và các tiểu ban tư vấn chuyên môn để rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT.
Về bổ sung thuốc mới điều trị các bệnh hiếm, các bệnh hiểm nghèo chi phí lớn vào danh mục BHYT, bà Trang lưu ý: “Chúng ta có tham khảo thêm những kinh nghiệm từ các quốc gia trong thanh toán một số thuốc hiếm, ung thư, thuốc đặc thù, và có thể thấy một số nước đã có phương thức thanh toán theo dòng ngân sách. Ví dụ, một số loại thuốc ung thư chúng ta khống chế tỷ lệ nhất định, 10 – 15% tổng chi tiền thuốc của Quỹ BHYT. Như thế khi chi hết số tiền này, chúng ta sẽ có những rà soát để làm sao có được những hiệu quả trong chi tiền thuốc cho người tham gia BHYT”.
Theo Vụ BHYT, Bộ Y tế đang xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung và có thể có thông tư thay thế Thông tư 20 về danh mục tân dược thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT. Nội dung dự thảo thông tư được kế thừa các tiêu chí tại các văn bản hiện hành. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn đều cần có những rà soát để làm sao có tiêu chí chuẩn khi đưa thuốc vào trong danh mục, và cũng có thuốc phải đưa ra khỏi danh mục.
“Với tất cả các thuốc, các dạng hoạt chất cùng một chỉ định nhưng có dòng thuốc mới thì chúng ta sẽ cần có phương án chi trả phù hợp. Cho nên tiêu chí và nguyên tắc rà soát xây dựng danh mục thuốc BHYT là nội dung quan trọng, cần quan tâm. Việc này đảm bảo cân đối quỹ nhưng cũng là tăng cơ hội tiếp cận thuốc mới”, bà Trang cho biết thêm.
Trao đổi bên lề hội thảo, một số ý kiến cho hay nếu ưu tiên cho cân đối quỹ, cơ quan quản lý có thể chỉ nghĩ đến quản chặt, siết kê đơn, do có thể giảm các cơ hội thuốc mới. Nhưng nếu lấy người bệnh làm trung tâm, chúng ta sẽ có các phương thức giải quyết bài toán cho đảm bảo quỹ, tăng nguồn thu cho quỹ, ví dụ như thêm các gói BHYT mở rộng. Trong đó, có các gói tăng mức đóng để được tăng quyền lợi khi chi trả.
“Thay vì hơn 90% dân số đang cơ bản cùng mức đóng BHYT, chúng ta có thể đề xuất thêm các gói “mở rộng, thêm mức đóng” với những người có nhu cầu. Nếu chỉ 5% số người đang đóng BHYT tham gia gói BHYT này thì cũng đã có thêm khoản tiền cho Quỹ BHYT và cũng chính là cách mà người tham gia BHYT thuận lợi trong tiếp cận thuốc, phương pháp điều trị mới. Hoặc chúng ta có thêm các hình thức lập quỹ chi trả cho một số nhóm thuốc, mà nguồn tiền có thể từ ngân sách, xã hội hóa”, một chuyên gia nêu ý kiến.
Một đại biểu chia sẻ, bên cạnh góp ý cho danh mục chung, thì một số đặc thù như thuốc hiếm, thuốc cứu mạng, thuốc cho người bệnh giai đoạn cuối, thuốc dạng phối hợp, cũng cần có nguyên tắc, tiêu chí mà chúng ta cần khơi thông. Cập nhật danh mục các thuốc này là thêm cơ hội người bệnh được tiếp cận, thêm cơ hội điều trị, phương pháp điều trị.
Thuốc hiếm không nhất thiết là thuốc mới
TS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết qua thực tế điều trị cho thấy thuốc hiếm có thể là thuốc ít nhà sản xuất, thậm chí không sản xuất, không cung cấp vì là dòng thuốc thế hệ cũ, quá rẻ, không lợi nhuận. Ví dụ như, thuốc Nitrofurantoin điều trị rất hiệu quả với ca bệnh viêm tiết niệu do vi khuẩn kháng thuốc thế hệ mới.
“Vừa qua, chúng tôi có ca bệnh viêm tiết niệu kháng thuốc, đi tìm thuốc quá khó”, bác sĩ Cấp nói và lấy thêm ví dụ như thuốc Minocycline điều trị hiệu quả cho các ca viêm phổi bệnh viện (bởi vi khuẩn đã kháng các thuốc thế hệ mới) giá thành rất rẻ mà không tìm ra nguồn mua…
Vẫn theo bác sĩ Cấp, các thuốc tiêm thế hệ cũ rất rẻ có loại kháng sinh tiêm chỉ 3.000 đồng/ống thuốc, đợt điều trị cho ca bệnh chỉ hết 50.000 đồng nhưng tìm mua vô cùng khó và các công ty không thấy sản xuất, không cung cấp. Vì nếu họ có lợi nhuận 10%/ống thuốc 3.000 đồng thì lãi được 300 đồng/ống thuốc, mà cả năm chỉ gặp vài bệnh nhân, thì không công ty nào muốn sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, thuốc hiếm không chỉ là thuốc đắt tiền, thuốc mới. Để tránh tình trạng cứ có bệnh nhân thì mới đi tìm thuốc, khi xây dựng danh mục thuốc hiếm, cần chú trọng đến các tình huống trong thực tế điều trị và có cơ chế dự trữ.
“Để đảm bảo tối đa quyền lợi người bệnh, danh mục thuốc BHYT chi trả, trong đó có tiêu chí thuốc hiếm, nhóm thuốc đặc thù nên xây dựng trên cơ sở quy định hiện hành và đặc biệt là ý kiến trực tiếp từ các chuyên gia, các bệnh viện trong và ngoài công lập, để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người bệnh”, bà Trang cho hay.
Rà soát bổ sung thuốc mới vào danh mục Quỹ BHYT chi trả
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT (Thông tư số 20).
Thông tư 20 đã bổ sung tương đối đầy đủ các hướng dẫn thanh toán về thuốc, tuy nhiên, danh mục này chưa được rà soát sửa đổi, bổ sung một cách đầy đủ toàn diện trong khi hiện đã có nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại VN có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán.Vì vậy, Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo để rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc được BHYT thanh toán, trên cơ sở các tiêu chí cụ thể với một số các nhóm thuốc có tính chất đặc thù như nhóm thuốc hiếm, thuốc phối hợp, thuốc cho người bệnh giai đoạn cuối hay nhóm thuốc cứu mạng…
Liên Châu – Báo Thanh niên