“Barie” cản đường chống dịch
Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Y tế, tổng số Giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực từ ngày 20.11.2021 đến ngày 31.12.2022 lên đến 12.896 giấy đăng ký. Đặc biệt, trong đó có nhiều loại thuốc thuộc nhóm dược phẩm thiết yếu phục vụ công tác điều trị trong và sau giai đoạn mắc Covid-19, như kháng sinh, thuốc điều trị bệnh mãn tính, bệnh nặng, các vắc xin dự phòng cần thiết cho cả người lớn và trẻ em, nếu giấy đăng ký lưu hành các loại thuốc này không được gia hạn kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ gián đạn chuỗi cung ứng thuốc
Ngày 21.2.2022, Ủy ban Xã hội có công văn số 526/UBXH15 ngày 21.2 về việc triển khai thi hành khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15. Theo đó, Ủy ban Xã hội đề nghị các cơ quan tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 theo thẩm quyền để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp với số ca nhiễm tăng mạnh từng ngày, kéo theo đó là nhu cầu thuốc của người dân ngày càng lớn. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Y tế, tổng số Giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực từ ngày 20.11.2021 đến ngày 31.12.2022 lên đến 12.896 giấy đăng ký. Đặc biệt, trong đó có nhiều loại thuốc thuộc nhóm dược phẩm thiết yếu phục vụ công tác điều trị trong và sau giai đoạn mắc Covid-19, như: Kháng sinh, thuốc điều trị bệnh mãn tính, bệnh nặng, các vaccine dự phòng cần thiết cho cả người lớn và trẻ em,… Như vậy, nếu giấy đăng ký lưu hành các loại thuốc này không được gia hạn kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ gián đạn chuỗi cung ứng thuốc. Điều này sẽ gây khó khăn lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khi nguồn cung nguyên liệu để sản xuất thuốc phòng, chống Covid – 19 ngày càng khan hiếm, việc chủ động được nguyên liệu làm thuốc và sản xuất được thuốc phòng, điều trị Covid-19 trong nước là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Dược, Điều 82, Điều 84 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP về nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành, các nguyên liệu này nhập về được sử dụng cho các mục đích cụ thể: Làm mẫu kiểm nghiệm, nghiên cứu thuốc, sản xuất thuốc để xuất khẩu… thì chỉ được sử dụng đúng cho mục đích nhập khẩu ban đầu, không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này khiến nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước khan hiếm. Chưa kể, cơ sở muốn được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc mới để phòng, điều trị Covid-19 phải nộp rất nhiều loại hồ sơ theo Luật Dược và phải qua quy trình thẩm định ngặt nghèo, mất nhiều thời gian mà chưa có quy định cho phép thừa nhận kết quả cấp phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Những rào cản này khiến cho “tủ” thuốc điều trị Covid-19 ở Việt Nam không thể bảo đảm đủ.
Không chỉ các vấn đề về thuốc, khi dịch bệnh bùng phát ở mức độ cao tại các địa phương, do năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và cả năng lực điều trị tại chỗ đều hạn chế, để khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương và Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 gồm: Các bác sỹ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành, thậm chí là đông đảo học sinh, sinh viên chuyên ngành y. Cơ chế huy động nhân lực này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch nhưng lại chưa phù hợp với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.… Những vấn đề trên như những “barie” trực tiếp cản trở việc triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch ở các địa phương.
Nghị quyết đáp ứng tình huống cấp bách phòng, chống dịch
Để tháo gỡ khó khăn, khai thông các “điểm nghẽn” trong công tác phòng, chống dịch, ngày 30.12.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid – 19. Nghị quyết gồm 9 điều với phạm vi điều chỉnh bao quát, toàn diện, trọng tâm các vấn đề vướng mắc từ thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, Nghị quyết có hiệu lực ngay sau khi ban hành đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác phòng, chống dịch, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng và sức khỏe của người dân.
Theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam, Nghị quyết 12 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 6 quy định đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến trước ngày 31.12.2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh”. Quy định này đã trút bỏ được gánh nặng mang tên “hồ sơ, giấy tờ” để họ tập trung cung ứng thuốc, bảo đảm quyền lợi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuốc cũng như việc cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân. Trong lúc dịch bệnh đang tiệm cận đỉnh, việc có đủ trang thiết bị y tế và chủ động được nguồn thuốc là lựa chọn ưu việt để giúp các bác sỹ cứu sống hàng triệu bệnh nhân.
Đặc biệt, cũng nhờ Nghị quyết 12, các bộ, ngành, địa phương đã được phép điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, những nhân lực này cũng được bảo đảm chế độ, chính sách tiền lương và chế độ khi tham gia công tác phòng, chống dịch. Nhờ Nghị quyết 12, người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám chữa bệnh do dịch bệnh đã có thể tiếp nhận điều trị từ xa thông qua các phương tiện điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này đã giúp giải bài toán quá tải bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay.
Có thể khẳng định, những cơ chế, chính sách được quy định trong Nghị quyết 12 đã thực sự phá bỏ rào chắn, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm an toàn, tính mạng của Nhân dân. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tinh thần nhân văn mà Nghị quyết 12 hướng đến.